Bong bóng tài chính và những điều nên biết

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng các nước châu Á sẽ không sử dụng biện pháp thắt chặt tín dụng mạnh tay cũng như dừng các

Thời của châu Á

Chỉ chưa đầy 1 năm trước, châu Á vẫn chìm trong lo sợ “là khu vực sẽ bị tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Mỹ”. Thị trường chứng khoán (TTCK) rơi tự do, xuất khẩu sụt giảm mạnh khiến tăng trưởng kinh tế trượt dốc. Tài sản, đặc biệt là bất động sản (BĐS), khắp nơi đều bốc hơi giá trị khi mà tín dụng bị thắt chặt và người mua giảm đi rõ rệt. Thị trường châu Á đứng trước bờ vực hoảng loạn.

Để đối phó với sự lan rộng của cuộc khủng hoảng tín dụng lan rộng khắp toàn cầu trong năm 2008, các nhà hoạch định chính sách từ Hà Nội tới Tokyo, từ Bắc Kinh tới New Dehli đã cấp tập mạnh tay cắt giảm lãi suất và bơm tiền với khối lượng khổng lồ vào hệ thống tài chính nhằm duy trì dòng chảy tín dụng và giữ cho nền kinh tế ở trạng thái tăng trưởng.

Với một tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên, sự sợ hãi trên khắp các thị trường châu Á đã và đang nhanh chóng đảo chiều nhờ những tín hiệu phục hồi ngày càng rõ. Đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng và gây bất ngờ 7,9% của Trung Quốc trong quý II vừa qua – đã giúp cải thiện mạnh mẽ tâm lý của giới đầu tư. Các yếu tố kinh tế cơ bản đang tốt hơn bao giờ hết: ngân sách mạnh hơn phương Tây, trong khi hệ thống ngân hàng bảo đảm được tính thanh khoản, sẵn sàng mở rộng cho vay khi kinh tế hồi phục…

Người tiêu dùng ở các nước mới nổi đang bắt đầu chứng tỏ vai trò của mình. Tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình tại châu Á năm nay được ước tính là 170 tỷ USD, bù lại phần chi tiêu giảm đi tại Mỹ. Khoản đầu tư này cũng lớn hơn đáng kể so với phương Tây.

Trước những tín hiệu tích cực đó, chuyên gia kinh tế học Peter Redward thuộc Barclays Capital dự báo tăng trưởng GDP của các nước mới nổi châu Á sẽ đạt khoảng 5% trong năm 2009 cho dù tăng trưởng GDP nhóm nước G7 có thể là âm 3,5%. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, những vấn đề mà G7 đang bàn để giải quyết giờ đây nên chuyển sang cho G20 (nhóm các nước đang phát triển).

Nguy cơ bong bóng tài sản

Năm 2008, để đối phó với đà thiếu hụt tín dụng đang lan rộng trên toàn cầu, Chính phủ các nước châu Á đều đồng loạt cắt giảm lãi suất và tăng cường bơm tiền vào hệ thống tài chính trong nỗ lực nhằm giữ vững tăng trưởng kinh tế. Những động thái này là hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh các nước phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lượng tiền được tung vào nền kinh tế nhiều quá mức cần thiết.

Đáng lo nhất là những luồng vốn dễ dãi này có thể đổ vào TTCK và nhà đất, đẩy giá lên quá cao, quá nhanh so với chuyển biến của những yếu tố căn bản trong nền kinh tế. Vì thế, có lẽ rủi ro chính đối với các nước mới nổi châu Á hiện nay không phải là việc nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của phương Tây (thị trường nhập khẩu chính và truyền thống của các nước châu Á) đi xuống mà chính là vấn đề lạm phát và bong bóng giá tài sản tại nội địa.

Lo ngại hiện thời đang tập trung chủ yếu vào Trung Quốc vì nước này đã dành gần 1.000 tỷ USD vốn hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng. Người ta lo ngại những đồng vốn đó thay vì phải đi vào hạ tầng, sản xuất kinh doanh lại chảy sang chứng khoán, BĐS. Doanh số BĐS Trung Quốc tính theo giá trị đã tăng 60% trong 7 tháng đầu năm 2009. Đầu tư vào BĐS tính đến ngày 30/06 tăng 9,9% so với cùng kỳ, song tốc độ này hết 7 tháng đã lên 11,6%.

Giá nhà đất tại 70 thành phố của Trung Quốc bắt đầu tăng từ tháng 6/2009 sau khi giảm liên tiếp 6 tháng trước. Tại Nam Ninh vào giữa tháng 7 đã có 3.000 người tranh nhau quyền mua nhà tại một dự án chỉ có chừng 600 căn hộ. Trên TTCK, cổ phiếu các công ty BĐS đã tăng 142% trong năm nay và trở thành nhóm cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất trong chỉ số Shanghai Composite.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng ở Trung Quốc thời gian qua đã được nới lỏng khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng vốn tín dụng cấp mới tại Trung Quốc đã tăng 201% so với cùng kỳ năm trước, lên mức gần 1.100 tỷ USD. Điều này khiến người ta lo ngại tín dụng tăng trưởng quá nóng đang tạo ra bong bóng BĐS tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hơn nữa, Trung Quốc đến nay vẫn duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức nhất định so với đồng USD. Việc đồng NDT tăng giá sẽ khiến giá tài sản tăng cao và kỳ vọng về đồng NDT sẽ là yếu tố hút dòng vốn đầu cơ vào Trung Quốc, đẩy giá tài sản lên cao nữa.

Một số nơi khác ở châu Á, tình hình cũng diễn ra tương tự. Tại Singapore, giá nhà đất đang tăng bất chấp suy thoái kinh tế. Mặc dù GDP của Singapore trong Quý II có thể đã suy giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá chủ đạo của thị trường nhà đất nước này đã tăng 5% trong quý, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Hồng Kông – thành phố nổi tiếng với thị trường nhà đất phát triển nóng, theo ước tính của HSBC giá cả đã tăng trở lại và sẽ đạt trở lại mức đỉnh hồi giữa năm 2008 trong thời gian ngắn.

Trước những diễn biến bất ngờ như vậy, một số nhà kinh tế lo ngại tình trạng bong bóng giá tài sản mới đã bắt đầu hình thành ở châu Á. Chỉ số chính của TTCK Thượng Hải là Shanghai Composite đã tăng hơn 80% trong năm nay, trong khi giá các loại cổ phiếu tại Indonesia tăng lên 57%… Giá trị tài sản cao hơn cũng có nghĩa rằng về mặt danh nghĩa các hộ gia đình đang giàu lên và như vậy họ có thể chi tiêu thoải mái hơn, điều này càng tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với thực tế tồn tại một mối rủi ro – sự gia tăng giá tài sản mang tính chất đầu cơ. Bởi, nếu điều đó xảy ra, châu Á sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh thị trường phát triển quá nóng tương tự như những gì diễn ra trên thị trường nhà đất Mỹ cách đây vài năm. Cũng có ý kiến cho rằng việc giá cả tăng chỉ là dấu hiệu của sự phục hồi chứ không thật sự nguy hiểm.

Ví dụ như TTCK Trung Quốc mặc dù gần đây tăng vọt, nhưng vẫn chỉ ở mức một nửa giá trị đạt được của đỉnh lập hồi cuối năm 2007. Và như vậy cũng còn quá sớm để nói tới việc hình thành một bong bóng nhà đất hay chứng khoán mới. Tuy nhiên, “phòng” vẫn hơn “chống”.

Cảnh giác đối phó

Đóng góp không nhỏ trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc là những hiệu quả mang lại từ kế hoạch kích cầu 4.000 tỷ NDT (586 tỷ USD) tập trung vào xây dựng hạ tầng và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu rơi vào lĩnh vực xây dựng và những nơi có vốn kích cầu của Chính phủ. Còn mảng tiêu dùng, bán lẻ hay các hoạt động kinh tế tư nhân khác vẫn chưa tiến triển nhiều. Các chuyên gia kinh tế lo ngại ít nhất 15% trong số vốn khổng lồ kể trên (khoảng 1.000 tỷ Tệ, tương đương 145 tỷ USD) đã theo nhiều đường khác nhau chảy vào chứng khoán và BĐS.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đã phát hiện vài công ty nộp hồ sơ vay vốn kích cầu để sản xuất kinh doanh nhưng họ lại đem vốn đi chơi chứng khoán với kỳ vọng nhanh chóng kiếm lời. Chuyên gia chiến lược Andrew Barber tại công ty nghiên cứu đầu tư Research Edge ước tính khoảng 30% tín dụng ngân hàng đã bị rót vào chứng khoán.

Theo khuyến cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho vay không kiểm soát có thể tạo áp lực lạm phát và khiến ngân hàng chật vật với núi nợ xấu. Tháng 6 đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc giảm, song lạm phát có thể quay trở lại trong nửa cuối năm. Ở một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ nước này đã nâng mức dự báo về lạm phát trong năm nay lên mức 5%, cao hơn mức mục tiêu 3%.

Các nhà hoạch định chính sách có thể đã bắt đầu lo chuyện giá tài sản tăng quá nhanh và đưa ra các giải pháp hạn chế.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng các công cụ thị trường, chẳng hạn như tăng lãi suất, để hạ nhiệt nhu cầu vay vốn và tăng cường phát hành trái phiếu để hút bớt luồng tiền. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bán tín phiếu với mức lãi suất cao nhất từ đầu năm – một tín hiệu cho thấy Chính phủ nước này có thể đã bắt đầu thắt chặt tín dụng. 10 ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng lớn thứ hai Bank of China, bị yêu cầu mua 100 tỷ NDT (khoảng 14 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ, nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng các nước châu Á sẽ không sử dụng biện pháp thắt chặt tín dụng mạnh tay cũng như dừng các chính sách kích cầu vì lo ngại làm ảnh hưởng tới sự phục hồi mới chớm của nền kinh tế trong điều kiện kinh tế toàn cầu còn yếu.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, sự phôi thai bong bóng này chính là kết quả của chính sách tiền tệ vẫn phải phụ thuộc vào bên ngoài mà nhiều chính phủ châu Á đang áp dụng. Hàng thập kỷ liền, các quan chức về tiền tệ của khu vực này chỉ là cái bóng của FED, điều chỉnh lãi suất theo ngân hàng trung ương của người Mỹ. Điều đó được lý giải là bởi tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường phương Tây nên chính sách tiền tệ cần thích ứng với đòi hỏi của điều kiện bên ngoài.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, nền kinh tế châu Á cần một chính sách tiền tệ khéo léo hơn. Lãi suất phải được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tăng trưởng của mỗi quốc gia, chứ không phải của người Mỹ hay trên toàn cầu. Nếu chính sách tiền tệ vẫn quá lỏng, bong bóng sẽ căng dần cho đến khi nổ tung và kéo theo một đợt suy thoái nguy hiểm. Một chính sách tiền tệ linh hoạt, độc lập, không phụ thuộc vào tỷ giá USD cũng là điều mà các nước châu Á cần tính đến.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *